Đừng chủ quan nếu bạn bị đau lưng khi tập thể thao

Đau lưng khi tập thể thao là vấn đề xảy ra khá phổ biến, đặc biệt với những người mới tập luyện. Hầu hết nguyên nhân gây ra tình trạng này là do tập luyện quá sức hoặc sai kỹ thuật và có thể điều chỉnh sau một thời gian tập luyện nhất định. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đau lưng lại là dấu hiệu của những chấn thương trầm trọng hơn bạn nghĩ. Nếu quan tâm đến sức khỏe của mình thì bạn đừng bỏ qua bài viết sau của SPORT1 để hiểu rõ hơn về đau lưng khi tập thể thao nhé!

 

Nguyên nhân của chứng đau lưng khi tập thể thao

Đa số những người bị đau lưng khi tập thể thao là do căng cơ. Chấn thương này xảy ra khi bạn quá chủ quan trong tập luyện, đánh giá sai độ khó và khả năng của bản thân dẫn đến vận động quá sức. Căng cơ cũng xảy ra trong quá trình vặn người, uốn cong hoặc với, rướn người. Tuy không nghiêm trọng nhưng căng cơ cũng có thể gây viêm, dẫn đến co thắt cơ và đau dữ dội. Một số trường hợp còn gây rách cơ, sưng tấy và cần sự tư vấn từ chuyên gia y tế.

đừng-chủ-quan-nếu-bạn-bị-đau-lưng-khi-tập-thể-thao-ảnh1

Một nguyên nhân khác gây ra chứng đau lưng khi tập thể thao là chấn thương đĩa đệm cột sống. Bạn đã biết cột sống chính là yếu tố giúp lưng ổn định và bảo vệ phần tủy sống. Giữa các đốt sống có các miếng sụn gọi là đĩa đệm tạo điều kiện cho cột sống di chuyển và có chức năng đệm xương. Trong một số điều kiện nhất định, một hoặc nhiều đĩa đệm có thể phình ra, rách hoặc trượt ra khỏi vị trí vốn có. Điều này sẽ gây đau do chèn ép dây thần kinh. Tình trạng này xảy ra khi người tập xoay sang một bên mà vận động quá nhanh hoặc chịu lực tác động quá mạnh, như bài tập nâng tạ hay tập bụng mà không kết hợp các cơ lõi.

Cũng liên quan đến cột sống, chứng đau thần kinh tọa cũng là nguyên nhân gây đau lưng khi tập thể thao. Đau thần kinh tọa thường bắt nguồn từ một đĩa đệm phồng chèn lên dây thần kinh. Chấn thương này hay gặp ở những người tập chạy bộ do tác động cao và căng thẳng lặp đi lặp lại. Đặc biệt, cơn đau sẽ tăng nặng hơn khi bạn chọn đôi giày chạy không phù hợp.

 

Cần làm gì nếu bị đau lưng khi tập thể thao

Khi tập thể thao, các chấn thương ngoài ý muốn rất dễ xảy ra khi người tập mất tập trung, tập sai kỹ thuật hoặc tập quá khả năng bản thân. Thông thường, khi bị chấn thương vùng lưng, bạn khó có thể sơ cứu tại chỗ mà cần đến gặp bác sỹ hoặc chuyên gia y học thể thao.

đừng-chủ-quan-nếu-bạn-bị-đau-lưng-khi-tập-thể-thao-ảnh2

Khi cảm nhận được cơn đau lưng, bạn hãy ngừng tập ngay lập tức. Sau đó nhẹ nhàng nằm hoặc ngồi trong tư thế thoải mái và ít đau nhất rồi gọi xe cứu thương nếu cảm thấy cần thiết. Khi bị đau lưng, tốt nhất không nên nhờ người chở đi bằng xe máy vì quá trình di chuyển trên đường bằng xe máy sẽ khó tránh tình trạng xóc nảy làm chấn thương gia tăng mức độ nguy hiểm.

 

Phòng tránh chứng đau lưng khi tập thể thao thế nào

Cột sống là một trong những bộ phận gặp chấn thương phổ biến nhất khi tập thể thao. Do đó bạn hãy giữ cho cột sống được vận động đúng tư thế: trung lập với ba đường cong tự nhiên ở cổ, lưng trên và lưng dưới.

Để nhận biết tư thế đúng của cột sống, bạn hãy thử đứng thẳng, lưng dựa vào tường sau đó chạm đầu, lưng trên và xương cụt vào tường. Nếu bạn có thể đặt vừa các ngón tay vào giữa tường và lưng của bạn trong khi chạm ba điểm kia vào tường thì đó là tư thế cột sống chuẩn dành cho bạn. Giữ cột sống đúng tư thế sẽ giúp người tập tránh được chấn thương. Bạn có thể tập những bài tập kéo cáp để cố định lưng và cột sống trước các bài tập chuyên biệt.

Để tránh chấn thương vùng lưng, bạn cần chú ý tập đúng kỹ thuật, đặc biệt với các động tác kết hợp nhiều nhóm cơ hoặc dùng tạ nặng hỗ trợ như: squat, deadlift hay nâng tạ ấm.

đừng-chủ-quan-nếu-bạn-bị-đau-lưng-khi-tập-thể-thao-ảnh3

Bài tập squat thường nhắm vào các cơ ở lưng dưới, cơ mông, gân kheo nên để tránh chấn thương khi thực hiện squat, người tập cần tránh cong phần lưng dưới. Hãy giữ ngực thẳng và gập đầu gối, thực hiện động động tác như đang ngồi trên ghế sẽ đảm bảo cột sống cong tự nhiên.

đừng-chủ-quan-nếu-bạn-bị-đau-lưng-khi-tập-thể-thao-ảnh4

Deadlift là bài tập được nhiều người áp dụng và cũng dễ gây ra chấn thương cho phần lưng dưới nếu tập sau kỹ thuật. Cần giữ lưng dưới ở vị trí hợp lý và thanh đòn ở gần người tạp. Điều này sẽ giúp tăng cường sức mạng cơ bắp quanh cột sống và tránh chấn thương.

đừng-chủ-quan-nếu-bạn-bị-đau-lưng-khi-tập-thể-thao-ảnh5

Với những người phải ngồi nhiều như dân văn phòng thì tập tạ ấm là bài tập hoàn hảo để cải thiện độ linh hoạt của hông. Cách tốt nhất để tránh chấn thương khi tập tạ ấm là giữ thẳng cột sống và chỉ nâng tạ theo giới hạn của vai. Nâng tạ ngang bằng vai sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát tư thế hơn. Nếu nâng quá cao, bạn rất khó cố định phần vai và dễ gây ra chấn thương nếu duy trì trong thời gian dài.

 

Trên đây là những lưu ý cơ bản nhất mà SPORT1 đúc kết lại từ kinh nghiệm tư vấn dụng cụ cũng như bài tập thể thao hơn 20 năm qua. Điều quan trọng nhất khi tập thể thao là tập luyện đúng kỹ thuật và chọn thiết bị tập chất lượng, phù hợp với thể trạng của bản thân. Tại SPORT1 có cả thế giới máy tập cùng phụ kiện hỗ trợ chính hãng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng từ người tập chuyên nghiệp đến không chuyên. Mua hàng tại SPORT1 để có trải nghiệm máy tập chất lượng đỉnh cao, dịch vụ hậu mãi hoàn hảo.

Tham khảo thế giới thiết bị tập SPORT1 tại đây

← Bài trước Bài sau →

Danh sách so sánh